Những nguy cơ nếu chú chó của bạn bị béo phì

02/10/2018
Ít nhất 20% số chó ở các nước công nghiệp phát triển bị xếp vào nhóm béo phì, với những ảnh hưởng đáng kể và lâu dài về sức khỏe. Hãy xem bài viết này để tìm hiểu thêm về những nguy cơ đó và cách giúp chó của bạn khỏi bị béo phì.

Béo phì là một vấn đề ngày càng phổ biến ở con người và thật không may khi loài chó cũng vậy. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ở các nước công nghiệp phát triển, cứ 5 con chó thì có ít nhất 1 con bị xếp vào nhóm béo phì. Nếu bị béo phì, chó của bạn sẽ có nguy cơ cao mắc một số tình trạng bệnh lý mãn tính và kéo dài suốt đời. Đây là điều quan trọng mà bạn cần lưu ý.

Khả năng chú chó của bạn bị béo phì

Một chú chó được xếp vào nhóm béo phì khi vượt quá từ 15% đến 20% trọng lượng lý tưởng hoặc bạn không thể cảm nhận được xương sườn của chó qua da, lông và mô cơ thể. Giống chó, cấu tạo di truyền, tuổi tác, giới tính, lối sống, chế độ ăn uống và việc chó đã được triệt sản hay chưa đều sẽ góp phần vào khả năng chú chó của bạn bị béo phì.

Ví dụ, chó cái thường dễ tăng cân hơn, trong khi khả năng những chú chó đã triệt sản bị béo phì cao gấp đôi những chú chó chưa triệt sản. Các vấn đề về hành vi khi ăn và hành vi cho ăn của bạn cũng có tác động đáng kể đến cân nặng của chó.

Nguy cơ béo phì ở chó

Nếu chó của bạn bị thừa cân hoặc béo phì, chó sẽ có nhiều nguy cơ mắc một số tình trạng bệnh lý nghiêm trọng và làm thay đổi cuộc sống:

  • Tuổi thọ giảm đáng kể
  • Các vấn đề về tim mạch và hô hấp
  • Bệnh tiểu đường
  • Giảm khả năng miễn dịch, do đó, chó có nguy cơ bị nhiễm trùng và mắc các bệnh khác
  • Các bệnh về xương khớp như viêm khớp
  • Bệnh tim mạch
  • Sỏi canxi oxalat trong nước tiểu

Những chú chó bị béo phì cũng có khả năng uể oải, thiếu động lực và năng lượng, đồng thời không thể hiện sự cố gắng khi tập thể dục, vui chơi hoặc vận động.

Tại sao bệnh béo phì ở chó lại gây ra những vấn đề này?

Khi một chú chó trở nên béo phì, cơ thể của chúng bắt đầu tích trữ thức ăn và chất dinh dưỡng dưới dạng chất béo. Do cơ thể chúng tiêu tốn ít năng lượng vào các hoạt động vui chơi hay vận động hơn so với khi cơ thể tiếp nhận thông qua chế độ ăn uống. Khi chất béo này bắt đầu xâm nhập vào các cơ quan (chẳng hạn như gan), điều đó có nghĩa là các cơ quan này sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn. Chất béo cũng bắt đầu "bao phủ", đặt áp lực lớn hơn lên các cơ quan đó và giảm khả năng làm việc hiệu quả của các cơ quan này. Ví dụ: động mạch của một chú chó béo phì có áp lực lớn hơn so với động mạch của một chú chó khỏe mạnh, vì vậy, chó béo phì dễ mắc bệnh tim mạch hơn.

Khi có trọng lượng nặng hơn, chó của bạn ngày càng khó di chuyển. Khớp của chúng bắt đầu bị ảnh hưởng bởi vì khớp không được cấu tạo để chống đỡ trọng lượng dư thừa. Sau cùng, điều này có thể dẫn đến một vòng luẩn quẩn. Khi đó, chú chó không muốn tập thể dục vì cảm thấy không thoải mái nhưng vẫn tiếp tục ăn chế độ ăn uống như vậy, vì thế tăng cân, giảm mong muốn vận động.

Cách hỗ trợ chú chó thừa cân

Bước đầu tiên để giúp đỡ chú chó của bạn là tới gặp bác sĩ thú y – người có thể xác định tình trạng thừa cân của chú chó và việc bạn cần làm để giúp chó giảm cân. Điều quan trọng là bạn – người chủ – phải cam kết hỗ trợ chó của mình giảm cân. Điều này có nghĩa là bạn phải bám sát lịch trình cho ăn nghiêm ngặt, tránh cho chó thức ăn thưởng và thức ăn thừa, đồng thời theo dõi cân nặng của chó. Bác sĩ thú y sẽ đề xuất lịch cho ăn dựa trên bất kỳ chế độ ăn uống giúp giảm cân nào mà họ có thể chỉ định.

Bằng cách giúp chó của mình bắt đầu giảm cân, bạn sẽ bắt đầu thấy chú chó của mình trở lại lối sống lành mạnh và năng động hơn, cũng như cho chúng cơ hội sống lâu hơn. Hãy bắt đầu bằng nhờ bác sĩ thú y tư vấn bởi họ sẽ rất sẵn lòng giúp đỡ.

Quay về đầu trang

Tìm bác sĩ thú y

Nếu bạn có bất kỳ lo lắng nào về sức khỏe của chó, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ thú y để được tư vấn chuyên nghiệp.

Tìm bác sỹ thú y gần tôi